(Đất Việt) Tranh vẽ những góc phố liêu xiêu, khung cảnh thanh bình của làng quê Việt, hay nụ cười bí ẩn của nàng Mona Lisa… mê hoặc người xem bởi vì chúng được tạo nên từ hàng triệu hạt gạo.

Ngay cả với những nghệ nhân tranh gạo cũng không biết loại hình nghệ thuật này có mặt ở nước ta từ bao giờ, nhưng 3 - 4 năm trở lại đây, phong trào làm tranh gạo trở nên sôi nổi tại TP HCM, Đồng Nai… Và tranh gạo đã trở thành món quà trong cẩm nang du lịch của du khách trong và ngoài nước khi đến VN.

Tạo màu sắc độc đáo

Theo anh Tạ Thu Đông chủ nhân Cơ sở Tranh Gạo Thu Đông, người Ấn Độ cũng làm tranh gạo, nhưng gạo làm tranh được nhuộm từ màu thiên nhiên, sau đó nghệ nhân dùng ngón tay vẽ bột trên giấy hoặc trên vải tạo thành hoa văn, và dùng những hạt gạo điểm tô thêm cho tác phẩm.

Sản phẩm của người Ấn Độ

Còn ở VN, người làm tranh dùng kỹ thuật rang gạo để tạo ra màu sắc tự nhiên rồi từ đó ghép từng hạt thành tranh. Làm được một bức tranh gạo hoàn chỉnh mất rất nhiều thời gian với nhiều công đoạn khác nhau. Hạt gạo là thành phần chính tạo nên một bức tranh, do đó việc chọn loại gạo và chất lượng gạo là yếu tố quyết định.

Phải chọn hạt gạo thon đều và chất lượng tốt, để đem rang tránh được trình trạng cháy và nổ hạt, sau đó đem gạo rang trên chảo nóng để tạo màu. Từ những hạt gạo trắng tinh, nghệ nhân khéo léo, điều chỉnh lửa để cho ra màu sắc phù hợp. Trong hạt gạo rang có sự biến đổi màu một cách tự nhiên, có hồn tạo nên hiệu ứng độc đáo về màu sắc của tranh mà không một nghệ thuật pha màu nào có thể sánh được.

Không chỉ khéo tay

Để tạo thành một màu cho hạt gạo, có những mẻ rang phải mất tới 2 giờ. Để làm cho hạt gạo chuyển sang màu như mong muốn, phải mất 20 - 30 phút rang đều tay trên chảo. Đây là công đoạn mà theo những nghệ nhân là khó nhất, vì nó đòi hỏi kinh nghiệm của mỗi người vì không cẩn thận gạo sẽ bị nổ hoặc gãy.

Những thợ giỏi trong giới tranh gạo hiện nay cũng mới chỉ có thể tạo ra khoảng 15-16 màu sắc hạt gạo khác nhau, như: trắng, nâu, nâu nhạt, nâu sẫm, vàng nhạt, vàng chanh... Chỉ với số gam màu ít ỏi ấy nhưng tranh gạo có thể chuyển tải được nhiều thông điệp sâu sắc như chân dung, phong cảnh, tĩnh vật với vẻ đẹp rất riêng nhưng không kém phần lịch lãm, sang trọng. Đa phần các nghệ nhân lựa chọn các chủ đề phong cảnh hay địa danh gắn liền với văn hóa người Việt như: vịnh Hạ Long, chùa Một Cột, chợ Bến Thành…

Sau khi có được gạo màu, họa sĩ  phải phác thảo chủ đề tranh lên khung gỗ ép, sau đó sắp xếp hạt gạo lên khung theo hình ảnh được phác họa, một lớp keo sẽ được phun lên bề mặt tranh để cố định vị trí cho từng hạt gạo. Công đoạn này phức tạp không kém vì đòi hỏi sự kiên nhẫn và khéo léo mới có thể tạo sự hòa hợp giữa các màu của bức tranh. Có những chi tiết đòi hỏi người thợ phải cắt nhỏ từng hạt gạo để tạo sự tinh xảo, sống động cho bức tranh.

Tranh làm xong được đem phơi nắng khoảng 2-3 ngày để gạo khô và dính chặt vào gỗ. Sau đó tranh được xử lý bề mặt bằng sơn bóng và lớp hóa chất để gạo chống nấm mốc, mối mọt và giữ được màu sắc tự nhiên. Thời gian để có được một bức tranh hoàn thiện mất từ 5 - 10 ngày, thậm chí có thể kéo dài hàng tháng, tùy theo kích thước và mức độ khó của tác phẩm.

Đặc trưng và lạ mắt

Một bức tranh gạo đẹp đòi hỏi phải hội tụ đầy đủ các yếu tố về màu sắc, độ khít của gạo, bố cục đẹp, các họa tiết phải được sắp xếp tỉ mỉ, sắc nét… Qua bàn tay của những nghệ nhân, sự phá cách đặc sắc trong sáng tạo nghệ thuật như muốn minh chứng giá trị quý báu và toàn diện của hạt gạo VN. Nhìn vào bức tranh gạo, người xem không khỏi trầm trồ, cảm nhận được sự sống động không thua kém bất cứ một chất liệu tranh nào.

Trong Hội nghị Thương mại gạo thế giới 2011 tổ chức tại TP.HCM tháng 1/2011, một bức tranh gạo về cảnh những người nông dân VN đang thu hoạch lúa được đem ra bán đấu giá đã làm ngỡ ngàng rất nhiều vị khách quốc tế. Vị Chủ tịch Rice Trader - ông Jeremy Zwinger phải thốt lên: “Rất riêng và lạ quá! Chúng tôi cảm nhận được bản sắc văn hóa dân tộc các bạn trong tác phẩm nghệ thuật thú vị này…”.

Anh Tạ Thu Đông, cho biết tranh gạo hiện đã trở thành một món quà độc đáo được rất nhiều doanh nghiệp đặt mua để tặng cho đối tác, khách hàng nước ngoài trong những dịp quan trọng. Từ đó mà nhiều du khách nước ngoài biết đến tranh gạo VN. Các nghệ nhân tranh gạo hiện nay còn cách điệu thêm thành những bộ lịch tranh gạo, đồng hồ tranh… 

Giá thành của loại tranh này không cao so với tranh đá quý, tranh thêu… Một bức tranh gạo có giá phổ biến từ 1 – 3 triệu đồng, tùy theo kích cỡ và độ tinh xảo của tranh. Nhưng nếu đem sánh với sự dày công của người thợ, quan trọng hơn từ chính sự độc đáo của dòng tranh này thì quả thực, giá trị nghệ thuật trong mỗi bức tranh không ai có thể đong đếm được.

Nguồn Báo Đất Việt